>

Biến rác thành thành phố nổi trên biển

Biến rác thành thành phố nổi trên biển – Một dự án táo bạo?

Đó là kế hoạch khá táo bạo mà các kiến trúc sư Hà Lan đang theo đuổi với hy vọng có thể giải quyết phần nào đống rác thải khổng lồ lềnh bềnh trên Thái Bình Dương hiện nay. Theo đó, một hòn đảo nhân tạo với kích cỡ xấp xỉ đảo du lịch Hawaii của Mỹ sẽ được xây dựng với phần móng sử dụng nguyên liệu là 44.000 tấn nhựa thải trôi nổi trên đại dương lớn nhất thế giới. Với diện tích 10.000 km2 đủ cho 500.000 dân sinh sống, “Đảo tái chế” (Recycled Island) được thiết kế theo mô hình thành phố Venice của Ý với dòng sông uốn lượn trong nội ô.

Biến rác thành thành phố nổi trên biển

Khi hoàn thành, “đảo tái chế” sẽ có hình dạng như thế này. Ảnh: Daily Mail

“Kế hoạch của chúng tôi nhắm tới 3 mục tiêu: dọn sách rác thải trên các đại dương, tạo ra vùng đất mới và xây dựng nơi sống bền vững với môi trường”, phát ngôn viên của WHIM architecture – đơn vị đứng sau dự án – cho biết. WHIM architecture dự định sẽ tái chế nhựa thải ngay tại chỗ (khu vực Bắc Thái Bình Dương) thành những kết cấu rỗng ruột gắn chặt với nhau, đóng vai trò là phần móng nâng đỡ “Đảo tái chế”.

Năng lượng Mặt trời và năng lượng sóng biển sẽ là nguồn năng lượng chủ lực trên đảo. Ngoài ra, các nhà thiết kế cũng dự định xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp rộng lớn bao quanh thành phố để cư dân có thể tự túc lương thực – thực phẩm, đồng thời tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, “Đảo tái chế” cũng hướng tới trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.