>

Hội thảo định hướng giảng dạy và giải quyết việc làm cho sinh viên môi trường của ĐHTN

Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế” với sự tham gia của các Sở – Ban – Ngành và Doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực môi trường với mục đích cải tiến nội dung chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo theo chuẩn CDIO đang được triển khai tại các trường đại học lớn trong phạm vi cả nước. Khảo sát lấy ý kiến và lắng nghe nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm xây dựng chương trình đào tạo, cho ra đời đội ngũ sinh viên tốt nghiệp có trình độ khoa học – kĩ thuật cao là một thực tế thiết yếu và có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của xã hội.

buổi tọa đàm

buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm với sự chủ tọa của TS Tô Thị Hiền – Trưởng Khoa Môi trường, PGS.TS Trương Thanh Cảnh, Trường ĐH KHTN, cùng với sụ tham gia của các giảng viên Khoa Môi trường và hơn 30 lãnh đạo các Sở – Ban – Ngành và Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực về môi trường như : Ông : Đoàn Trần Đức Sinh ( Trung tâm tư vấn và công nghệ môi trường ) . Ông : Nguyễn Thành Phương ( Cục trưởng môi trường Miền Nam ), Ông : Trần Thanh Quang ( Giám đốc trung tâm quan trắc tỉnh Bình Dương ) , Ông : Nguyễn Trí Đông ( Chi cục Bảo Vệ Môi Trường Tiền Giang ), Bà : Nguyễn Thị Thanh Mỹ ( Sở tài nguyên môi trường thành phố Hồ Chí Minh ) , Ông : Phan Cao Thanh Tùng ( Viện công nghệ hóa học )Ông : Phan Kiêm Hào ( Công ty môi trường Ngọc Lân ), Ông : Phạm Duy Tân ( Công ty cổ phần đầu tư phát triển môi trường Đại Việt ) , Ông : Phan Tuấn Triều ( Công ty môi trường Nông Lâm ), bà Tô Thị Hằng GĐ trung tâm Vinacontrol…….

Mở đầu cuộc hội thảo Tiến sỹ Trương Thanh Cảnh và Bà Tô Thị Hiền chia sẻ : “ Với mục đích khắc phục thực trạng nền giáo dục yếu kém như hiện nay , những hạn chế hiện nay mà các cử nhân, kỹ sư môi trường còn thiếu khi làm việc tại các công ty,sản phẩm trường đào tạo có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không, do đó trường tổ chức ” Hội Nghị Diên Hồng” mời các “bô lão” là các cây đa cây đề trong ngành môi trường đến góp ý xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp, tìm ra được giải pháp cho vấn đề giáo dục của trường hiện nay nói riêng cũng như việc đào tạo cử nhân môi trường tại các trường đại học nói chung”

toa-dam-1

Trong buổi tọa đàm, hầu hết các khách mời đều góp ý tâm huyết và thẳng thắn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Giám Đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM chia sẻ: “ Hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu người lao động phải có kinh nghiệm ít nhất 1-2 năm, nhưng vấn đề đặt ra sinh viên mới ra trường làm gì có kinh nghiệm.Với cương vị là người từng làm công tác giáo dục và hiện nay là công tác quản lý nhà nước về môi trường, bà Mỹ cho rằng, Khoa Môi trường nên tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với thực tiễn, tham gia vào các dự án, đề tài nghiên cứu của các thầy cô trong khoa song song với việc nâng cao kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp phục vụ cho công việc sau khi ra trường.”

Ông Phan Kiêm Hào – Giám đốc công ty TNHH Môi Trường Ngọc Lân đề nghị :”Sinh viên cần ít nhất 3-6 tháng thực tập tại các doanh nghiệp và phải xem đó là môn học chính thức để sinh viên chỉ đi thực tập lớt phớt, mất tính hiệu quả khi thực tập. Khi đó sinh viên có cơ hội tham gia giải quyết các vấn đề thực tế để tích lũy kinh nghiệm thực tế tại công trường tại văn phòng. Đồng thời Khoa cũng nên tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện thêm về tiếng Anh và kỹ năng mềm, làm sao để doanh nghiệp có thể sử dụng ngay nhân lực sau quá trình đào tạo của khoa. Về vấn đề giảng dạy, đề nghị cho đội ngũ giảng viên được đi thực tế nhiều ở hiện trường để bài giảng sinh động hơn, thiết thực hơn”. Vấn đề này cũng được Bà TS Tô Thị Hiền – Trưởng Khoa Môi trường Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên ghi nhận một cách thẳng thắn và đề xuất có thể cho sinh viên thực tập không lương hoặc cho vào chương trình đào tạo là một môn chính thức trong môn học được đánh giá cụ thể. Ông .PGS.TS Trương Thanh Cảnh đề nghị thêm nếu cần thiết đưa đội ngũ giáo viên trẻ cọ xát kinh nghiệm thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường.

toa-dam-2

Tại buổi tọa đàm các kỹ năng mềm của sinh viên cũng được các doanh nghiệp nêu lên một cách thẳng thắn, thái độ làm việc, sự tự tin , khả năng tiếng anh, sự chịu khó trong công việc và việc luôn mong muốn lương cao với tấm bằng cử nhân trong tay trong khi mình chưa làm gì cho doanh nghiệp cũng là vấn đề được bàn bạc sôi nổi tại buổi tọa đàm.

Ông Dũng, GĐ cty Môi Trường Phố Xanh và đại diện cty MT Á Châu tâm sự ” Nhà trường nên quan tâm đến môn Thực Tập tại doanh nghiệp. Do nhà trường xem nhẹ môn này nên SV đến công làm việc rất “cưỡi ngựa xem hoa” đi bữa đực bữa cái, chỉ chăm chăm xin được đóng dấu và không tôn trọng doanh nghiệp, họ lấy lý do phải đi học, làm đồ án… để né tránh. Do đó chúng tôi thấy sinh viên thực tập rất sợ và ngại nhận vào thực tập. Việc đi công trình là nắng là gió, là mưa và dơ bẩn, các kỹ sư của chúng tôi ai cũng đều phải làm, nhưng SV thấy là tìm cớ bỏ chạy. Nếu họ không chịu lăn lê bò toài ra phụ việc thì sao biết nuôi vi sinh ra sao, tê, co cút, bích là gì, bơm chìm bơm nổi…Mà khi họ ra trường, cầm tấm bằng đại học là nghĩ mình phải nhận mức lương tương ứng và phải ăn trắng mặc trơn, chỉ tay năm ngón thì chúng tôi sẽ không chấp nhận. Có nên chăng nhà trường phải có lớp dạy kỹ năng giao tiếp và trong công việc. Họ đến và ra đi như chưa bao giờ tồn tại. Trong khi đó họ không hiểu rằng khi được nhận thực tập là chúng tôi kỳ vọng mời họ làm việc ở công ty, thậm chí là giới thiệu cho công ty đối tác. Nhưng đáng buồn, nhà trường xem nhẹ việc thực tập ngắn ngủi đó, dẫn đến sinh viên xem doanh nghiệp không ra gì. Do đó chúng tôi đã quyết định không nhận sinh viên thực tập nữa là như vậy”

Ông Võ Bá Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển CNMT Thuận Phát cho rằng, “Khoa nên bổ sung các khóa học kĩ năng mềm bằng việc mời các chuyên gia về trao đổi với sinh viên, lồng ghép một số chuyên đề với sự truyền đạt kinh nghiệp từ chính đại diện các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực môi trường.” Các đại biểu khác cũng có những ý kiến như : Việc trau dồi kỹ năng Tiếng Anh rất quan trọng trong việc tiếp cận khoa học công nghệ của thế giới vì thế ngoài bản thân sinh viên tự trau dồi , cần giảng dạy tiếng Anh giao tiếp để SV ra trường có khả năng giao tiếp tốt. Việc hướng dẫn kỹ năng viết và trình bày văn bản khi trình bày và giải quyết một vấn đề khoa học cũng rất cần thiết đặc biệt là đối với sinh viên Việt Nam. Việc nắm rõ các văn bản pháp luật và giải quyết khi xảy ra sự cố môi trường sinh viên cũng đang thiếu và cần bổ sung…”Việc cọ xát và trao dồi kinh nghiệm thực tế là điều đáng mừng và coi trọng nhưng không phải thế mà nhà trường coi nhẹ việc giảng dạy các kiến thức cơ sở bản ngành, bởi vì chỉ khi nào sinh viên nắm rõ các kiến thức cơ bản về chuyên môn thì việc nắm thêm những kiến thức thực tế cùng với sự nổ lực của các em và sự giúp đỡ của nhà trường và các doanh nghiệp thì điều đó mới trở nên hoàn hảo “ theo Ông Nguyễn Thành Phương – Phó Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam

 

Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công thông qua thảo luận, nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các nhà tuyển dụng được Khoa Môi trường giải trình và ghi nhận, đặc biệt là thực trạng về nhu cầu tuyển dụng đối với ngành Môi Trường trong xã hội hiện nay, ưu và nhược điểm của sinh viên Khoa khi va chạm vào những vấn đề thực tế mà phía các Sở – Ban – Ngành và các doanh nghiệp nhận thấy.

Kết thúc buổi tọa đàm, TS Tô Thị Hiền đã thay mặt tập thể CB-VC và giảng viên Khoa Môi trường gửi lời cảm ơn chân thành đến đại diện các nhà tuyển dụng đã dành thời gian quý báu tham gia buổi tọa đàm. Chương trình khép lại nhưng đã mở ra sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các nhà tuyển dụng với Khoa Môi trường trong tương lai như nhà trường sẽ là nơi đặt hàng và doanh nghiệp sẽ là nơi nhận được sản phẩm chất lượng. Bà cho biết chương trình đào tạo kết mới, có định hướng sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp sẽ bắt đầu vào đầu năm 2017.

Hy vọng sinh viên môi trường sẽ có chỗ làm ngay khi còn ngồi ghế nhà trường và doanh nghiệp không còn nỗi lo chảy máu hay thiếu chất xám.

 

 

Tags: